Categories
3- HÌNH ẢNH SINH HOẠT

Đôi dòng về ngày lễ Memorial Day 2018 tại Vancouver (Clark County)

‘Tri ân và Cảm tạ’ là đạo lý làm người của dân tộc Việt. Cho nên trong 43 măm qua người Việt hải ngoại tỵ nạn cộng sản có truyền thống hàng năm tổ chức lễ Tưởng niệm Quốc Hận 30/4/1975 ngoài việc tưởng niệm và tri ân các anh hùng hào kiệt của lịch sử Việt Nam, các chiến sĩ quân, dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến chống cộng (1954-1975) để bảo vệ miền Nam tự do.
Ngày 30/4 hàng năm cộng đồng người Việt tỵ nạn khắp nơi cũng không quên tưởng niệm và tri ân hàng trăm ngàn đồng bào đã gửi lại thân xác trong lòng đại dương hay trong sông rạch hoặc rừng sâu trên đường vượt biển, vượt biên vì không chấp nhận sự thống trị đất nước của tà quyền cộng sản Việt Nam.
Trong buổi Tưởng Niệm 30/4/1975 lần thứ 43 tại Nam California, Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu đã vinh danh những ‘Thuyền nhân’ (vượt biển lẫn vượt biên bằng đường bộ) là Anh Hùng. Thật vậy, nếu không có ‘Thuyền nhân’ thì làm sao thế giới mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn sau 30/4/1975? Và nếu không có những người tỵ nạn cộng sản sớm đặt chân đến bến bờ tự do thì làm sao có được các cộng đồng người Việt phát triển về mọi mặt khắp trên toàn thế giới như hiện nay?
Thật vậy, sự hình thành và phát triển của một quốc gia hay một dân tộc hoặc một cộng đồng tại bản xứ luôn luôn gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Cũng như người đã chết, người đang sống và thế hệ sinh ra sau này đều có tương quan mật thiết với nhau. Quá khứ dù bi thương, tủi nhục, mất mát… vẫn là cội nguồn từ đó một dân tộc hay một cộng đồng hay một cá nhân vươn lên. Nếu có người muốn quên quá khứ vì không muốn hồi tưởng những kỷ niệm dù là bi đát, mất mát, u buồn… cho bản thân hay cộng đồng hoặc dân tôc nhất là các vị chủ tịch cộng đồng hay các ngài lãnh đạo tinh thần tôn giáo thì thật là đáng tiếc! Một nhà văn Pháp đã ghi nhận rằng “Rien ne nous rend si grand qu’ un grand malheur!” (không có gì có thể làm cho chúng ta trở nên cao cả bằng một nỗi bất hạnh lớn lao).
Tại Hoa Kỳ ngày ‘Chiến Sĩ Trận Vong’ đã trở thành quốc lễ, gọi là MEMORIAL DAY. MEMORIAL DAY cũng còn gọi là DECORATION DAY, tức là ngày truy tặng Huy chương cho những chiến sĩ đã hy sinh. “Decoration Day” do Tướng John A. Logan chọn ngày 30 tháng Năm, 1868 làm một ngày đặc biệt để vinh danh những nghĩa trang của những chiến sĩ trong Liên Hiệp (Union). Logan đã phục vụ trong quân đội với tư cách Tư Lệnh tối cao của Đại Quân nước Cộng Hòa (the Grand Army of the Republic), một tổ chức của Cựu Chiến Binh của Liên Hiệp trong cuộc Nội Chiến (Civil War).
Về lai lịch của ngày MEMORIAL DAY thì có một số người nhận rằng đã tự sáng lập ra ngày lễ đó. Nhưng vào năm 1966, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng Waterloo, New York là những nơi đã đặt ra ngày lễ này. Người dân ở Waterloo lần đầu tiên cử hành Memorial Day vào ngày mồng 5 tháng Năm, năm 1866 để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Nội Chiến Nam Bắc tại Mỹ (American Civil War). Sau Thế Chiến Thứ Nhất (World War I), ngày lễ này bắt đầu được mở rộng hơn để tưởng niệm binh sĩ tử trận trong các cuộc chiến khác ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Từ năm 1971, Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong chính thức trở thành ngày Lễ Liên Bang ở Hoa Kỳ (Legal holiday). Ngày nay, Memorial Day là ngày biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn của của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đối với các chiến sĩ đã hy sinh. Vào ngày này, người Mỹ đi viếng thăm các nghĩa trang và các đài tưởng niệm và lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được để rũ cho đến trưa theo giờ địa phương.
Memorial Day tại Vancouver
Như năm rồi, năm nay Cộng đồng Việt Nam Oregon và Vancouver đã sớm nhận lời mời của Hội Community Military Appreciation Committee (CMAC) tham dự Lễ Memorial Day Observance tại Fort Vancouver Bandstand, Washington được tổ chức vào sáng thứ Hai, ngày 28 tháng 5 năm 2018. Do CMAC và Waste Connections bảo trợ.
Buổi lễ được khai mạc đúng 11 giờ trưa với đầy đủ nghi thức thật long trọng như rước Quốc Quân Kỳ của các đơn vị, chào Quốc Kỳ Hoa Kỳ, bắn 21 phát súng và 4 đại pháo truy điệu, dâng Hoa truy Điệu, thả bốn lồng chim bồ câu trắng, v.v…(Xem đầy đủ hình ảnh qua video và album photo của nhiếp ảnh gia Mary Nguyễn và Nam Phạm trên website của cộng đồng www.vnco.org hay www.chienhuuvnch.com)
Phái đoàn người Việt tham dự trên 30 người gồm vị Chủ Tịch Uông Phát, cựu Chủ tịch Phạm Hùng Minh Cộng đồng Clark County và ông Từ Đức Tháo, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Oregon, một số đồng hương và hơn 20 cựu quân nhân VNCH Oregon và Vancouver. Toán Quốc Kỳ Việt, Mỹ và Quân Kỳ VNCH do bốn cựu quân nhân VNCH trong quân phục đại lễ và tiểu lễ: Hải Quân (Nguyễn Văn Đông), Lục Quân (Hoàng Tiến Phướng), Không Quân (Nguyễn Đức Liêm) thủ kỳ và hai Thủy Quân Lục Chiến (Nguyễn Hoàng Kiệt và Trương Hữu Thành) hầu kỳ.
Tâm tư người viết dâng trào lẫn lộn niềm hãnh diện và xúc động khi thấy lá Quốc Kỳ và Quân Kỳ VNCH tung bay phất phới từ xa tiến về khán đài, đi giữa hai bên dòng người quan khách và dân bản xứ đang đứng nghiêm trang chào kính, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đưa tay chào theo lễ nghi quân cách. Trước đó có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đến bắt tay chúng tôi, những cựu quân nhân VNCH với lời: “Welcom home”, thật thân tình. Đặc biệt có rất đông hậu duệ mặc quân phục các quân binh chủng Hoa Kỳ tham dự.
Từ niềm cảm xúc này, người viết thầm tri ân Ban Tổ chức, Hội CMAC, Waste Connections và tất cả người dân bản xứ tham dự buổi lễ đã dành cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản chúng tôi một ân tình đặc biệt như lời tri ân những quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đã hy sinh trong nhiều chiến trận vì đất nước Hoa Kỳ và họ không quên lãng người lính VNCH là đồng minh của họ trong chiến tranh Việt Nam.
Hy vọng sang năm, người Việt Vancouver và Oregon tham dự đông hơn nữa để đáp lại tấm lòng của người dân bản xứ.

.
Phạm Quốc Nam